Tin tức

Chức năng nhiệm vụ của Khoa Quản trị doanh nghiệp

15/11/2015

Trích Quy chế tổ chức và hoạt động của trường Đại học Thương mại (Ban hành kèm theo Quyết định số 246/QĐ-ĐHTM ngày 28/4/2014 của Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại)

Điều 30. Các khoa Quản lý chuyên ngành đào tạo

1. Chức năng

Tham mưu, giúp Hiệu trưởng trong việc tổ chức, quản lý đào tạo một hoặc một số ngành, chuyên ngành theo phân công của Hiệu trưởng.

2. Nhiệm vụ

Ngoài các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 10 Quy chế này, các khoa Quản lý chuyên ngành đạo tạo còn có các nhiệm vụ sau:

a. Đề xuất xây dựng và phát triển chương trình đào tạo và tham gia tổ chức quá trình đào tạo một hoặc một số chuyên ngành;

b. Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hóa, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế;

c. Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, chủ động khai thác các dự án hợp tác quốc tế; phối hợp với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội;

d. Quản lý viên chức và người học thuộc khoa theo phân cấp của Hiệu trưởng;

e. Quản lý nội dung, phương pháp, chất lượng đào tạo chuyên ngành thuộc khoa quản lý;

f. Tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình học phần/môn học do Hiệu trưởng giao; tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị dạy - học, thực hành, thực tập và thực nghiệm khoa học;

g. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở khoa, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho viên chức và người học; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho viên chức thuộc khoa;

h. Phối hợp với các bộ phận chức năng trong Trường để thực hiện nhiệm vụ được giao;

i. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Hiệu trưởng.

3. Cơ cấu tổ chức bao gồm:

a. Trưởng khoa;

b. Phó Trưởng khoa;

c. Hội đồng khoa;

d. Văn phòng khoa;

e. Các bộ môn; Trung tâm nghiên cứu và triển khai thuộc khoa (nếu có);

f. Viên chức thuộc khoa;

g. Các lớp hành chính và người học.

4. Nhiệm vụ quyền hạn của Trưởng, Phó Trưởng khoa

4.1. Trưởng, Phó Trưởng khoa có nhiệm vụ quyền hạn quy định tại Khoản 6 và Điểm 7.1; 7.2 Khoản 7, Điều 35, Quy chế này.

4.2. Trưởng khoa phải có bằng tiến sỹ, là giảng viên có uy tín, có kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và có năng lực quản lý; Phó Trưởng khoa phải có bằng thạc sỹ trở lên, là giảng viên có uy tín, có kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và có năng lực quản lý. Riêng Phó Trưởng khoa phụ trách đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ phải có bằng tiến sĩ.

5. Nhiệm kỳ của Trưởng khoa là 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Nhiệm kỳ của Phó Trưởng khoa theo nhiệm kỳ của Trưởng khoa và có thể được bổ nhiệm lại; Hiệu trưởng ra quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm Trưởng khoa, Phó Trưởng khoa theo quy định hiện hành.

6. Hội đồng khoa

a. Hội đồng khoa là cơ quan tư vấn cho Trưởng khoa thực hiện các nhiệm vụ nêu tại khoản 2 Điều này, giúp Trưởng khoa ra quyết định hoặc đệ trình lên Hiệu trưởng ra quyết định theo quy định của Nhà trường.

b. Hội đồng khoa có số thành viên là số lẻ từ 7 - 15 thành viên, gồm: Trưởng khoa, một số Phó Trưởng khoa, Trưởng bộ môn, một số giảng viên, cán bộ khoa học trong và ngoài khoa là giáo sư, phó giáo sư, giảng viên có bằng tiến sĩ theo quyết định của Hiệu trưởng trên cơ sở đề nghị của Trưởng khoa. Nhiệm kỳ của Hội đồng khoa theo nhiệm kỳ của Trưởng khoa.

c. Hội đồng khoa bầu Chủ tịch Hội đồng theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và được Hiệu trưởng phê duyệt. Chủ tịch Hội đồng điều hành Hội đồng khoa thực hiện việc tư vấn và thông qua các nhiệm vụ của khoa.

d. Hội đồng khoa họp ít nhất 3 tháng 1 lần do Chủ tịch Hội đồng triệu tập; nội dung cuộc họp phải được thông báo trước ít nhất 07 ngày đến tất cả các thành viên của Hội đồng (trừ trường hợp đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng); cuộc họp được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự; kết luận của cuộc họp được thông qua khi có trên 50% số thành viên của Hội đồng khoa biểu quyết tán thành; biên bản của các cuộc họp phải được trình lên Hiệu trưởng chậm nhất sau 7 ngày đối với các trường hợp Hội đồng khoa có kiến nghị hoặc đề xuất với Hiệu trưởng.